Trồng răng hàm sứ là giải pháp được nhiều người lựa chọn, khi một hoặc một vài chiếc răng hàm nào đó bị mất đi. Nhưng liệu đây có phải là một giải pháp tối ưu dành cho bạn hay không?

Khi răng hàm chẳng may bị mất, bệnh nhân luôn phải tìm cách khôi phục lại chiếc răng này của mình để chức năng ăn nhai không bị ảnh hưởng. Khi đó, trồng răng hàm sứ hay còn gọi là trồng răng hàm bằng phương pháp bắc cầu lại trở thành giải pháp của nhiều người. Vậy phương pháp này có ưu, nhược điểm ra sao và bạn nên áp dụng nó khi nào? Phần thông tin hữu ích dưới đây sẽ giải đáp cho bạn.

1. Ưu, nhược điểm của trồng răng hàm sứ

Với phương pháp làm cầu răng, bạn sẽ phải mài nhỏ 2 chiếc răng kế cận chiếc răng hàm đã mất. Tiếp đến, nếu bạn cần trồng lại 1 chiếc răng hàm thì 1 cầu răng bao gồm 3 mão sứ sẽ được gắn lên trên. Trong đó, 2 mão răng bên ngoài sẽ được chụp lên răng thật kế cận, còn mão sứ ở giữa sẽ trực tiếp thay thế chiếc răng hàm đã mất.

+ Ưu điểm:

– Răng có hình dáng và màu sắc tương đồng như răng thật. Do vậy, mặt thẩm mỹ luôn được đảm bảo, cho dù thẩm mỹ không phải là yếu tố quan trọng đối với răng hàm.

– Khả năng ăn nhai được khôi phục. Răng hàm sứ hoàn toàn có thể nghiền nát thực phẩm cứng hoặc dai. Nhờ đó, bạn sẽ không gặp khó khăn trong việc ăn uống.

– Tuổi thọ có thể kéo dài hàng chục năm, nếu như bạn sử dụng chất liệu sứ tốt. Đồng thời, chi phí phải chăng, thời gian tiến hành nhanh chóng cũng là ưu điểm của phương pháp này.

+ Nhược điểm:

– Bạn phải mài nhỏ răng thật. Về lâu dài, những chiếc răng bị mài có thể dần suy yếu và trở nên nhạy cảm hơn trước những tác động bên ngoài.

– Không có tác dụng thay thế chân răng hàm đã mất. Vì vậy, trồng răng hàm sứ cũng không thể ngăn chặn tình trạng tiêu xương hàm xảy ra. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng không thể tồn tại vĩnh viễn nên sau một khoảng thời gian, có thể bạn sẽ phải trồng lại răng hàm.

Như vậy, nếu bạn chỉ có ý định trồng răng hàm tạm thời, chưa có đủ điều kiện về mặt tài chính hoặc tình trạng răng miệng không đáp ứng điều kiện để áp dụng các phương pháp hiện đại hơn, trồng răng hàm bằng cầu răng sứ chính là giải pháp mà bạn nên lựa chọn.

Ngược lại, nếu bạn cần trồng răng hàm vĩnh viễn, bạn nên cân nhắc sử dụng phương pháp cấy ghép Implant. Với phương pháp này, chân răng hàm đã mất sẽ được thay thế bằng một trụ Titanium được gắn cố định vào xương hàm. Và thân răng sẽ được thay thế bằng một mão sứ có hình dáng giống như răng thật. Đây được coi là giải pháp phục hình tối ưu, toàn diện, không chỉ có khả năng ăn nhai tốt mà còn giúp ngăn chặn tình trạng tiêu xương hàm và có thể tồn tại đến suốt đời.

Để biết bản thân có phù hợp với trồng răng hàm sứ hoặc cấy ghép Implant hay không, bạn cần đến trực tiếp một nha khoa uy tín để được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên môn. Hy vọng chiếc răng hàm đã mất của bạn sẽ nhanh chóng được khôi phục hiệu quả bằng một phương pháp phục hình phù hợp!